(Dân trí) – Tỉnh Lai Châu hiện có 106 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 94 xã, 5 phường và 7 thị trấn, sau khi sắp xếp, tỉnh này giảm còn 38 đơn vị hành chính cấp xã gồm 36 xã, 2 phường.
Sáng 18/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và một số nội dung quan trọng.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã thống nhất cao và thông qua Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm từ 106 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 38 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 64,15% đơn vị hành chính cấp xã.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu).
Quảng cáo của DTads
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu chủ trì hội nghị.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lai Châu được thực hiện trên cơ sở định hướng tại các kết luận của Trung ương; Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đề án trình tại hội nghị, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp bảo đảm giảm từ 60 tới 70% so với tổng số đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp.
Sau khi thảo luận, góp ý tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã biểu quyết, thống nhất cao thông qua đề án sắp xếp, giảm 64,15% số đơn vị hành chính cấp xã.
Quang cảnh TP Lai Châu (Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu).
UBND tỉnh Lai Châu cho biết, trước khi sắp xếp, tỉnh Lai Châu có 106 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 94 xã, 5 phường và 7 thị trấn. Sau khi sắp xếp, tỉnh Lai Châu còn 38 đơn vị hành chính cấp xã gồm 36 xã, 2 phường.
Như vậy sau khi sắp xếp, tỉnh Lai Châu giảm 68 đơn vị hành chính cấp xã gồm 59 xã, 2 phường, 7 thị trấn, giảm 64,15% số đơn vị hành chính cấp xã.
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết, xét về tổng thể, phương án sắp xếp cấp xã bước đầu tại tỉnh Lai Châu đảm bảo theo định hướng của Trung ương. Các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp bảo đảm tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị hành chính cấp xã khi sáp nhập đều có vị trí địa lý liền kề, phần lớn có chung lịch sử hình thành, phát triển, giao thoa về văn hóa, phong tục tập quán; quy mô, trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế tương đồng, điều kiện tự nhiên, địa lý phù hợp cho việc sáp nhập…
Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu chỉ đạo UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết thông qua chủ trương, trình Chính phủ xem xét để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
https://dantri.com.vn/xa-hoi/lai-chau-du-kien-con-38-xa-phuong-sau-khi-sap-xep-20250418121743086.htm