
Trà Vinh hiện vẫn còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, xử lý chất thải.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 102.625 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trong đó có 94.756 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và 7.869 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Tính đến đầu năm 2025, 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng đăng ký thủ tục môi trường đã thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung cam kết về bảo vệ môi trường; 90,2% cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (tương đương 85.471 hộ) thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải phát sinh theo quy định.
100% cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thuộc đối tượng đăng ký thủ tục môi trường đã thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung cam kết về bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Hùng.
Mặc dù phần lớn các cơ sở, hộ dân đã thực hiện biện pháp xử lý chất thải, tuy nhiên hiện vẫn còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, xử lý chất thải. Đồng thời tình trạng nuôi gia súc, gia cầm tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch vùng nuôi đang diễn ra tại một số địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, các ngành, địa phương tỉnh Trà Vinh một mặt tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, mặt khác tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp xử lý triệt để chất thải.
Ông Phạm Văn Khang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) cho biết, huyện còn gần 1.100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa đảm bảo vệ sinh thú ý, xử lý chất thải. Nhằm giúp các hộ chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch hoàn thành các công trình xử lý chất thải, từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đã hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng hầm biogas, ao lắng phủ HDPE cho 145/1.000 hộ dân và hướng dẫn cho hơn 100 hộ về kỹ thuật xử lý môi trường bằng men sinh học, chăn nuôi trên đệm lót sinh học.
Các địa phương tỉnh Trà Vinh đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Hùng.
Theo ông Khang, từ nay đến cuối năm 2025, huyện Cầu Kè sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho khoảng 350 hộ chăn nuôi trong vùng quy hoạch xây dựng hầm biogas, ao lắng phủ HDPE đề xử lý chất thải theo quy định. Đồng thời tổ chức rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi ngoài vùng quy hoạch để vận động ngừng nuôi hoặc di dời đến vùng quy hoạch chăn nuôi. Trường hợp hộ chăn nuôi có nguyện vọng chuyển đổi nghề thì Phòng Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp ổn định cuộc sống.
https://nongnghiepmoitruong.vn/tra-vinh-con-hon-9000-ho-chan-nuoi-chua-dam-bao-ve-sinh-thu-y-d747455.html