
UBND TP HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất làm ba cây cầu kết nối hai địa phương bao gồm cầu thay phà Cát Lái; cầu Phú Mỹ 2 và cầu Đồng Nai 2.
Khu vực dự kiến làm cầu thay phà Cát Lái. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).
Theo Báo Chính phủ, UBND TP HCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc để nghe báo cáo tình hình triển khai các dự án giao thông kết nối giữa hai địa phương.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để tăng cường kết nối giao thông, hai địa phương đã bàn bạc, thống nhất việc triển khai đầu tư xây dựng ba cầu vượt sông Đồng Nai kết nối Đồng Nai với TP HCM gồm cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái), cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2; trong đó, cấp thiết nhất hiện nay là dự án cầu Cát Lái.
Với dự án này, tỉnh Đồng Nai đề nghị TP HCM cân đối, bố trí nguồn ngân sách Thành phố triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng phía TP HCM và xử lý nắn chỉnh tuyến đường Nguyễn Thị Định đoạn 336 m sát bờ sông Đồng Nai để đảm bảo yếu tố kỹ thuật thiết kế cầu dây văng.
Về phía Đồng Nai, tỉnh sẽ bố trí vốn giải phóng mặt bằng và các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai xây dựng cầu Cát Lái triển khai theo hình thức BOT. Đồng Nai mong muốn hai địa phương cố gắng, nỗ lực để khởi công dự án vào cuối năm 2025.
Đối với các cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2, hai địa phương thống nhất tiếp tục rà soát cập nhật quy hoạch và nghiên cứu, cân đối vốn, lựa chọn hình thức đầu tư để triển khai thực hiện vào năm 2026.
Đối với kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu triển khai dự án để dự kiến khởi công dự án vào đầu năm 2026.
Riêng dự án tuyến đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, Đồng Nai đề nghị TP HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án bằng nguồn ngân sách thành phố.
Lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất chủ trương cần thiết đầu tư các dự án giao thông kết nối. Đồng thời, giao Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai phối hợp Sở Giao thông công chánh TP HCM rà soát, bổ sung bến bãi, kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư tham gia khai thác các tuyến vận tải đường thủy nội địa kết nối giữa hai địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND TP HCM về việc triển khai các dự án kết nối giao thông giữa 2 địa phương. Trong đó, Đồng Nai đề xuất TP HCM phối hợp triển khai thực hiện các dự án xây dựng 3 cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai.
Theo đó, cầu thay phà Cát Lái với mục tiêu tạo thành tuyến đường kết nối giao thông liên vùng giữa tỉnh Đồng Nai và TP HCM, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 19.391 tỷ đồng gồm đầu tư công dự kiến cho toàn bộ giải phóng mặt bằng của dự án và phần Xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu Cát Lái (khoảng Km6+300) đến cuối tuyến. Vốn cho các dự án đầu tư công khoảng 10.357 tỷ đồng.
Đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT cho dự án (phạm vi từ đầu tuyến đến sau trạm thu phí khoảng Km6+300) khoảng 9.034 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn ngân sách tham gia khoảng 4.427 tỷ đồng (chiếm 49,0%), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 4.607 tỷ đồng (chiếm 51.0%).
Cầu Đồng Nai 2 nhằm tăng cường kết nối giữa 2 địa phương, kết nối 2 chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai (khu đô thị Long Hưng, Aquacity, khu đô thị golf Long Thành, khu đô thị Amata) và các đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Tỉnh Đồng Nai đề xuất triển khai thực hiện dự án với ba thành phần bao gồm dự án thành phần 1 – Đầu tư phần đường kết nối từ nút giao Gò Công đến sông Đồng Nai dài khoảng 5,4 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng, do UBND TP HCM triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố hoặc đầu tư theo hình thức BT khai thác quỹ đất.
Dự án thành phần 2 – đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai 2 với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, kinh phí khoảng 3.500 tỷ đồng. Do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia của nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Dự án thành phần 3 – đầu tư phần đường kết nối từ sông Đồng Nai đến Quốc lộ 51, chiều dài khoảng 6 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng; do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hoặc đầu tư theo hình thức BT khai thác quỹ đất.
Cầu Phú Mỹ 2 với mục tiêu hình thành trục kết nối mới giữa 2 địa phương, chia sẻ lưu lượng cho cầu Phú Mỹ hiện hữu. Kết hợp với các tuyến đường trên cao số 1, 2, 3 của TP HCM và tuyến đường 25C của Đồng Nai hình thành trục kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
Dự án được đề xuất triển khai thực hiện với ba thành phần bao gồm dự án thành phần 1 – đầu tư phần đường kết nối từ giáo với đường Nguyễn Hữu Thọ đến sông Nhà Bè dài khoảng 3 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng; do UBND TƠ HCM triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố hoặc đầu tư theo hình thức BT khai thác quỹ đất.
Dự án thành phần 2 – đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ 2 với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, kinh phí khoảng 9.500 tỷ đồng; do UBND TP HCM triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia của nguồn vốn ngân sách TP HCM.
Dự án thành phần 3 – đầu tư phần đường kết nối từ sông Nhà Bè đến đường 25C, chiều dài khoảng 7,2 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng; do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hoặc đầu tư theo hình thức BT khai thác quỹ đất.
https://doanhnhanvn.vn/thong-nhat-lam-ba-cay-cau-ket-noi-tp-hcm-dong-nai.html