Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu (*): Sinh mạng người bệnh là trên hết

Đã bước chân vào nghề y thì mặc định trong tâm thế cứu người, song để ngăn những việc không hay diễn ra trong cấp cứu thì vẫn cần giải pháp căn cơ

Khi sự vụ bé trai cấp cứu chưa lắng xuống thì lại tiếp một biến cố rúng động mới cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ngày 4-5, một nhân viên y tế ở bệnh viện này bị đấm liên tiếp vào vùng mặt khi chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức cấp cứu.

Lại thêm “cú sốc Nam Định”

Sự việc được camera an ninh ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ. Nhân viên bị đánh chỉ ôm mặt “chịu trận”, không chống trả, trong khi các y – bác sĩ khác vẫn tiếp tục cấp cứu bệnh nhân. Vụ việc đã được công an vào cuộc làm rõ.

Trước đó ít ngày, tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ), các bác sĩ đang cấp cứu cho một bé gái 12 tuổi bị sốc phản vệ cũng bị xô đẩy, tấn công. Dù bị hành hung, kíp trực vẫn giữ bình tĩnh, không rời bỏ vị trí, nỗ lực cứu người. TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bức xúc: “Dù bất cứ lý do nào, việc hành hung cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ cứu người là hành vi không thể chấp nhận được. Khi bác sĩ đang thực hiện chuyên môn thì cần được bảo đảm điều kiện yên tâm cứu người. Ai đúng ai sai sẽ xử lý sau!”.

Theo ông Đức, hành vi bạo lực với nhân viên y tế không phải chuyện mới. “Người bệnh mong muốn được khám nhanh, chu đáo, tận tình là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, để đáp ứng được điều đó, cơ sở y tế cần có đủ điều kiện. Không thể chỉ yêu cầu nhanh mà còn bảo đảm chất lượng” – ông nói và so sánh: “Tại Anh, muốn chụp MRI có thể phải chờ 3 tháng, trong khi ở Việt Nam, nếu chờ từ sáng đến chiều mà chưa được chụp thì bệnh viện và nhân viên y tế rất dễ bị phản ứng”.

Ông Đức cho rằng khi cả cán bộ y tế và người bệnh đều chịu áp lực lớn, những va chạm nhỏ có thể dễ dàng bùng phát thành sự việc nghiêm trọng. Bộ Y tế đã ban hành quy tắc ứng xử, giáo dục đạo đức và tư tưởng chính trị cho cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, người dân cũng cần chia sẻ với khó khăn của đội ngũ y tế. “Đã bước chân vào nghề y thì ai cũng có tâm nguyện cứu người. Nhưng để họ yên tâm hành nghề, cần có cơ chế bảo vệ họ khỏi các rủi ro, bạo lực” – ông Đức nêu quan điểm.

Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu (*): Sinh mạng người bệnh là trên hết - Ảnh 1.

Bệnh viện cần môi trường an toàn để bác sĩ yên tâm cứu chữa, nhất là tại phòng cấp cứu. Ảnh: NGỌC DUNG

Không ai có quyền từ chối điều trị

Nói đến nguyên tắc xử trí bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BSCK2 Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), khẳng định bệnh nhân có dấu hiệu nguy kịch thì phải xử lý ngay lập tức, không cần biết tên tuổi hay tiền bạc. Thủ tục hành chính là chuyện tính sau. Về nguyên tắc chuyên môn, bất kỳ bệnh nhân nào bị tai nạn dù chưa biểu hiện rõ tổn thương vẫn cần được tiếp nhận vào khoa cấp cứu để theo dõi, đánh giá. “Ngay cả khi mạch, huyết áp còn ổn định nhưng cơ chế chấn thương nguy hiểm thì vẫn phải làm các xét nghiệm, chụp CT, X-quang hoặc siêu âm để phát hiện tổn thương tiềm ẩn. Chỉ sau khi xác định tình trạng ổn định mới chuyển lên các khoa chuyên sâu hoặc cho về” – ông nói.

Việc yêu cầu đóng tạm ứng khi cấp cứu, BS Phương khẳng định tuyệt đối không. Nếu bệnh nhân cần cấp cứu thì cứ làm trước, hồ sơ, viện phí là chuyện tính sau. Ngay cả khi không có người thân đi cùng, không mang giấy tờ tùy thân thì vẫn được xử trí cấp cứu đầy đủ. Hệ thống cấp cứu hiện nay đã có quy trình rất rõ ràng. Với những ca nặng như ngưng tim, sốc, suy hô hấp, bác sĩ sẽ thực hiện các can thiệp ngay lập tức mà không cần bất kỳ thủ tục hành chính nào. “Chúng tôi có thể chỉ cần một người đưa bệnh nhân vào dù là người qua đường để làm nhân chứng và lập biên bản hội chẩn khẩn trong kíp trực để xử trí ngay” – BS Phương nói thêm.

Thực tế là có nhiều trường hợp cần phẫu thuật hoặc thủ thuật khẩn cấp nhưng thân nhân không đồng ý ký giấy. Tình huống này bác sĩ xác định nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp thì vẫn phải thực hiện theo quy trình hội chẩn nội bộ. Bác sĩ tự ký, chịu trách nhiệm và nếu cần có thể mời cả công an đến chứng kiến. “Sinh mạng của bệnh nhân là tối thượng và kể cả cha mẹ hay người thân cũng không có quyền quyết định thay sinh mạng khi họ không còn đủ tỉnh táo. Không ai có quyền từ chối điều trị cứu sống nếu bệnh nhân đang nguy kịch, đó là quy định y khoa và pháp luật đã có hướng dẫn rõ” – BS Phương nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, cho rằng nguyên tắc đạo đức y tế và pháp luật hiện hành đều quy định rất rõ trong mọi trường hợp, cơ sở y tế phải tiếp nhận và cấp cứu kịp thời người bệnh trong tình trạng nguy kịch, không phân biệt đối tượng hay khả năng tài chính. Điều 7 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh nghiêm cấm hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ một số trường hợp đặc biệt như quy định tại điều 40 của luật. Do đó, nếu người bệnh – dù là người lạ hay không có tiền viện phí – được đưa đến bệnh viện thì cơ sở y tế vẫn có trách nhiệm cấp cứu ngay lập tức.

Pháp luật không chỉ cấm từ chối cấp cứu mà còn quy định cụ thể trình tự phải thực hiện: Cấp cứu trước, làm thủ tục sau. Theo điều 31 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, người bệnh được cấp cứu tại cơ sở y tế hoặc ngay tại hiện trường sự cố và trách nhiệm của cơ sở y tế là phải tiếp nhận, cấp cứu kịp thời. Thông tư 51/2017/TT-BYT cũng nhấn mạnh việc ưu tiên xử trí cấp cứu cho người bệnh nguy kịch trước khi thực hiện các thủ tục hành chính. Việc thanh toán chi phí được thực hiện sau khi cấp cứu. Pháp luật Việt Nam nghiêm khắc với mọi hành vi chậm trễ, từ chối cấp cứu, đặc biệt vì lý do tài chính. Nếu hành vi trì hoãn cấp cứu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh như tổn hại sức khỏe hoặc tử vong thì tùy mức độ, cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự.

Mô hình cấp cứu lý tưởng