Dự kiến sáp nhập Hưng Yên: Thương hiệu nhãn lồng sẽ ra sao?

Là tỉnh có diện tích nhỏ thứ ba cả nước, nhưng nơi đây lại sở hữu di sản văn hóa, ẩm thực phong phú mà ít nơi nào sánh kịp. Thương hiệu nhãn lồng, tương bần đặc sắc có bị hòa lẫn trong sự thay đổi địa giới hành chính sắp tới?

Hưng Yên – miền đất gắn liền với lịch sử thương cảng Phố Hiến sầm uất, nơi từng được ví von “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, nay nằm trong danh sách 52 tỉnh, thành phố dự kiến sáp nhập.

Tên gọi Hưng Yên mang ý nghĩa về một vùng đất bình yên, thịnh vượng, đã hiện diện trên bản đồ Việt Nam hơn 550 năm. Nơi đây từng là trung tâm giao thương quan trọng bậc nhất Đàng Ngoài với các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Tây phương tấp nập buôn bán. Việc sáp nhập Hưng Yên vào một đơn vị hành chính mới có thể thay đổi nhiều thứ, nhưng chắc chắn rằng, dấu ấn văn hiến và thương cảng một thời vẫn sẽ mãi in đậm trong lòng mỗi người con của mảnh đất này.

Nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nơi những cánh đồng trù phú ôm lấy dòng sông Hồng, Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với nhãn lồng trứ danh mà còn sở hữu một nền ẩm thực mang đậm hồn quê, tinh tế trong từng hương vị. Từ những món ăn gắn bó với đời sống người dân đến những đặc sản được gìn giữ qua nhiều thế hệ, tất cả tạo nên một bức tranh ẩm thực độc đáo mà ai đã thử một lần cũng khó có thể quên. Dưới đây là những món ăn đặc sản ở Hưng Yên du khách nên ghé qua khi đến đây.

Dự kiến sáp nhập Hưng Yên: Món ăn đặc sản tiến Vua, tinh túy ngàn đời

Với vị ngon thuần khiết và công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, long nhãn không chỉ là đặc sản của vùng đất văn hiến mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. (Ảnh: foodmap.asia)

Trên dải đất hình chữ S, hiếm có nơi nào cho ra đời loại long nhãn ngọt, thơm và dẻo như ở Hưng Yên. Từ xa xưa, sản vật này đã được tuyển chọn để tiến Vua, minh chứng cho giá trị đặc biệt của nó. Không chỉ là một món ăn truyền thống, long nhãn Hưng Yên còn là biểu tượng của sự tinh túy, kết tinh từ thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người.

Long nhãn được chế biến kỳ công từ những trái nhãn căng mọng, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh đặc trưng. Sau khi hái về, nhãn được tách hạt, chỉ giữ lại phần cùi dày rồi đem sấy khô trên bếp than hoa. Quá trình này không chỉ giúp bảo quản lâu dài mà còn làm dậy lên hương thơm tự nhiên, giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của trái nhãn. Long nhãn đạt chuẩn phải có màu vàng ươm như mật, dai dẻo vừa phải, vị ngọt đậm nhưng không gắt.

Mỗi năm, người dân Hưng Yên chỉ thu hoạch được một vụ long nhãn chín cây, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Vì sự khan hiếm này, cùng với giá trị dinh dưỡng cao, long nhãn Hưng Yên luôn nằm trong danh sách những đặc sản được giới sành ăn săn lùng ráo riết. Sau khi thu hoạch, nhãn được sơ chế và sấy khô theo phương pháp truyền thống, giúp giữ nguyên hương vị tự nhiên mà không cần chất bảo quản. Thành phẩm đạt chuẩn có màu vàng óng, thơm dịu, vị ngọt đậm nhưng không gắt, được ví như “mật ong cô đặc” của đất trời.

Với vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao, long nhãn được sử dụng rộng rãi trong các món ăn từ dân dã đến cao cấp: canh long nhãn nấu lạc, long nhãn hầm bồ câu, chè trân châu long nhãn, chè hạt sen long nhãn, long nhãn nấu yến, long nhãn ngâm rượu. Bên cạnh đó, long nhãn còn được khuyên dùng như một vị thuốc Đông y giúp chữa chứng suy nhược cơ thể, mất ngủ, trí nhớ kém và căng thẳng thần kinh.

Dự kiến sáp nhập Hưng Yên: Món ăn đặc sản được chế biến công phu làm “say lòng” thực khách

Quy trình làm giò thủ công, kết hợp với gia vị chuẩn chỉnh và lá chuối tươi, tạo ra một món ăn có hương vị ngọt ngào, giòn dai, vừa thơm ngon lại vừa bổ dưỡng. (Ảnh: Ẩm thực 365)

Từ xa xưa, giò luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ, Tết của người Việt Nam, là biểu tượng của sự sum vầy, đoàn tụ. Ngày nay, giò đã trở thành món ăn quen thuộc, phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Các loại giò như giò xào, giò bì, giò lụa, với hương vị đặc trưng riêng, đã góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực Việt. Trong số những loại giò, giò bì Phố Xuôi Hưng Yên nổi bật với hương vị đặc biệt, hấp dẫn du khách mỗi khi ghé thăm.

Được làm từ những nguyên liệu tươi ngon, giò bì Phố Xuôi có lớp bì mềm mịn, hòa quyện với thịt heo xay nhuyễn, tạo nên một món ăn vừa béo ngậy, vừa thơm lừng. Điểm đặc biệt là các gia vị được trộn vào một cách vừa vặn, mang đến vị đậm đà mà không hề gây ngấy.

Để tạo ra những chiếc giò bì thơm ngon, người dân Phố Xuôi phải trải qua một quy trình chế biến rất tỉ mỉ và cầu kỳ. Mỗi công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu đến gói giò, đều được thực hiện với sự cẩn trọng và sự khéo léo cao. Đầu tiên, thịt nạc heo phải được chọn lọc kỹ càng, chỉ những miếng thịt tươi ngon, sạch sẽ và dẻo từ những con heo nuôi tự nhiên mới được sử dụng. Bì heo, sau khi làm sạch, được luộc chín vừa phải rồi xắt thật mỏng, như sợi chỉ, để khi ăn có cảm giác giòn giòn, mềm mại.

Tiếp theo, thịt nạc được cho vào cối giã nhuyễn bằng tay, phương pháp thủ công này giúp giữ lại độ dẻo và ngọt của thịt. Sau khi giã nhuyễn, thịt được trộn đều với bì heo đã thái chỉ và được nêm nếm thêm một chút nước mắm ngon để tạo nên hương vị đậm đà đặc trưng. Lá chuối dùng để gói giò cũng phải được chọn lựa kỹ lưỡng. Những lá chuối to bản, được rửa sạch và hơ qua lửa, giúp lá mềm mại hơn, dễ dàng gói mà không bị rách.

Khi được hấp chín, những chiếc giò bì sẽ tỏa hương thơm phức của thịt heo, nước mắm và lá chuối. Khi ăn, giò sẽ giòn, dai, với vị béo ngậy và đậm đà, mang lại một hương vị đặc biệt mà chỉ có thể tìm thấy ở Hưng Yên. Du khách đến Hưng Yên sẽ không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức món giò bì trứ danh này, để cảm nhận được sự hòa quyện hoàn hảo giữa tinh túy của ẩm thực dân dã và sự khéo léo trong chế biến của người dân nơi đây.

Món ăn đặc sản ở Hưng Yên: Không phải cao lương mỹ vị nhưng đủ gây thương nhớ, lai rai “quên cả thời gian”

Bát canh cá rô đồng ngon không chỉ nhờ cá chắc thịt, nước dùng ngọt thanh mà còn ở cách trình bày đẹp mắt, hấp dẫn ngay từ ánh nhìn đầu tiên. (Ảnh: Poliva)

Với người sành ăn, nhắc đến Hưng Yên không chỉ là nhãn lồng, tương bần mà còn là món canh cá rô đồng trứ danh. Chẳng phải cao lương mỹ vị, chỉ một bát canh cá nóng hổi, một đĩa đậu phụ vàng ươm cùng chai rượu nếp quê, thế là đủ để cánh mày râu lai rai, tâm sự quên cả thời gian.

Không khó để tìm thấy những quán canh cá rô đồng dọc đường từ Kim Động về trung tâm thành phố Hưng Yên. Lạ một điều, dù san sát nhau nhưng quán nào cũng đông khách, nhất là vào buổi sáng. Có người đến muộn còn không kịp gọi suất, bởi cá hết sớm.

Món canh cá rô đồng ở Hưng Yên được chế biến từ những con cá rô đồng tươi ngon, ngọt thịt, nấu cùng với các loại gia vị và rau thơm đặc trưng. Nước canh trong vắt, ngọt thanh, kết hợp với vị béo của cá, tạo nên một món ăn tuyệt vời. Mỗi bát canh không chỉ mang lại hương vị thanh mát, dễ chịu mà còn chứa đựng hương vị của vùng đất này, khiến ai đã thử một lần đều muốn quay lại thưởng thức thêm.

Không có núi cao, không có biển rộng, nhưng Hưng Yên vẫn cuốn hút theo cách rất riêng – bằng vẻ đẹp dung dị, mộc mạc của một vùng đất cổ trăm năm. (Ảnh: Bách hóa Xanh)

Cá rô đồng sau khi bắt về được làm sạch, luộc sơ rồi gỡ lấy thịt, phần xương giã nhuyễn lọc lấy nước cốt để nấu nước dùng. Bí quyết tạo nên độ ngọt thanh của bát canh chính là nước ninh xương cá chứ không phải từ bất kỳ loại gia vị nào. Sợi bánh đa trắng mềm, những miếng cá vàng ruộm xếp gọn gàng, thêm vài cọng rau thì là và hành lá xắt nhỏ, tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị khó quên.

Vị ngọt tự nhiên từ nước dùng, thịt cá giòn dai, bánh đa mềm nhưng không nhão, rau cải xanh tươi tạo nên sự hài hòa tuyệt đối. Tùy vào khẩu vị, thực khách có thể thêm ớt, tiêu, chanh, mắm hoặc ăn kèm rau sống để tăng thêm hương vị.

Món ăn đặc sản ở Hưng Yên: Hồn cốt ẩm thực gắn mác thương hiệu “nhãn lồng” có còn nguyên vẹn?

Sự thay đổi về địa giới hành chính có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt ra câu hỏi lớn về số phận của những thương hiệu gắn liền với địa danh này. Nhãn lồng Hưng Yên – Món quà ngọt ngào của thiên nhiên. (Ảnh: Giang Vương). (Ảnh: Bách hóa Xanh)

Nhắc đến Hưng Yên, không ai không nhớ đến nhãn lồng – giống nhãn thơm ngon, dày cùi, giòn ngọt đặc trưng. Đây không chỉ là một sản vật nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều quốc gia.

Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt, những tán nhãn ở Hưng Yên bắt đầu bung hoa, tỏa hương thơm dìu dịu trong không khí se lạnh. Những ngày đầu xuân có chút nắng ấm, hương nhãn càng trở nên quyến rũ, khiến ai đi ngang qua cũng phải dừng lại hít hà. Không chỉ mang đến cảnh sắc đẹp mắt, những chùm hoa nhỏ bé ấy còn là khởi đầu cho một mùa quả trĩu cành – món quà mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Mùa tháng 7, tháng 8, khi những chùm nhãn bắt đầu chín rộ, cả Hưng Yên như khoác lên mình sắc vàng nâu của nhãn lồng. Nhãn Hưng Yên có vị trí đặc biệt trong lòng người yêu trái cây bởi hương thơm nồng nàn, cùi dày, giòn, trong như hổ phách và ngọt lịm. Chỉ cần bóc lớp vỏ mỏng láng, màu vàng nâu nhạt, bên trong sẽ lộ ra lớp cùi trắng ngà mọng nước, tỏa hương nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.

Không chỉ là loại quả ngon để thưởng thức trực tiếp, nhãn lồng Hưng Yên còn được chế biến thành nhiều món đặc sản hấp dẫn như long nhãn, chè sen nhãn, nhãn sấy dẻo… góp phần làm phong phú hơn ẩm thực địa phương.

Trước viễn cảnh thay đổi địa giới hành chính, nhiều người lo lắng liệu thương hiệu “nhãn lồng Hưng Yên” có bị mai một hay không? Tuy nhiên, với giá trị đã được khẳng định qua nhiều thế kỷ, đây không chỉ đơn thuần là một đặc sản mà còn là một biểu tượng văn hóa đậm dấu ấn. Những vườn nhãn trĩu quả vẫn sẽ tiếp tục tỏa hương, mang đến một hương vị ngọt ngào không lẫn với bất kỳ nơi đâu.

Ở một góc độ tích cực, đây cũng có thể là cơ hội để các sản phẩm này vươn xa. Nếu được đầu tư bài bản về vùng trồng, quy trình sản xuất, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường, nhãn lồng và những đặc sản trứ danh khác không chỉ giữ vững vị thế trong nước mà còn có cơ hội chinh phục thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ hơn.

https://danviet.vn/du-kien-sap-nhap-hung-yen-thuong-hieu-nhan-long-se-ra-sao-d1322578.html